Phẫu thuật độn cằm
Khi nhắc tới nét đẹp của người phụ nữ,người ta thường nghĩ ngay đến khuôn mặt trái xoan với chiếc mũi cao thanh tú và đôi mắt tròn tròn xoe biết cười. Sở hữu một khuôn mặt đẹp luôn là niềm mơ ước của mọi người. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn có được nét đẹp trời ban vì vậy bao người đã tìm đến thẩm mỹ viện để thực hiện ước mơ của mình. Sau phẫu thuật độn cằm, nhiều người hạnh phúc với diện mạo mới nhưng cũng không ít người cảm thấy chán nản, thất vọng. Bởi lẽ mặc dù chỉ là một phương pháp làm đẹp nhưng như bao phẫu thuật khác, để thành công cần phải có sự chuẩn bị cẩn thận trước khi tiến hành và sự chăm sóc thích hợp sau mổ.
-
Ai nên độn cằm?
Một người được gọi là đẹp khi có sự hài hòa từng đường nét như mắt, mũi, miệng với khuôn mặt. Vì thế không cần thiết phải chỉnh sửa khi khuôn mặt, đặc biệt là cằm nhìn đã cân xứng so với các chi tiết khác trên mặt. Độn cằm được cân nhắc trong trường hợp cằm ngắn, cằm lẹm hay mất cân đối với khuôn mặt. Việc độn cằm sẽ giúp khuôn mặt trông thanh thoát nhẹ nhàng hơn.
Chuẩn bị trước khi độn cằm:
Tùy theo phương pháp can thiệp và sức khỏe của mỗi người mà cách chuẩn bị trước khi độn cằm có khác nhau đôi chút. Đa số các trường hợp, trước khi thực hiện, người muốn độn cằm phải được kiểm tra sức khỏe tổng quát, ghi nhận tình trạng dị ứng và bệnh mắc phải trước đây, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như công thức máu, đánh giá đông máu toàn bộ, điện tâm đồ, chức năng gan thận… Thời điểm tiến hành khi người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, các bệnh lý mạn tính đã được điều trị ổn định hoặc sau khi đã khỏi bệnh cấp tính như cảm cúm, viêm họng 1- 2 tuần.
-
Các phương pháp độn cằm:
Nếu khéo léo trang điểm, những khiếm khuyết ở cằm sẽ được che lấp và trở nên hài hòa hơn với những chi tiết trên khuôn mặt. Tuy nhiên nếu không giỏi hoặc không có nhiều thời gian để trang điểm và tùy theo tình trạng sức khỏe - điều kiện kinh tế của mỗi người mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp độn cằm thích hợp:
- Độn cằm không phẫu thuật: Dùng dung dịch chất lỏng đặc hiệu (filler) như Radiesse, Restylane, Juvederm…bơm vào cằm một lượng thích hợp để điều chỉnh hình dạng cằm theo ý muốn. Phương pháp này có ưu điểm không đau, không sưng, không chảy máu và không cần thiết phải có thời gian nghỉ dưỡng. Tuy nhiên khả năng của Filler chỉ kéo dài từ 6-18 tháng nên sau thời gian này phải tiếp tục tiêm duy trì.
- Phẫu thuật độn cằm: Phẫu thuật được thực hiện trong điều kiện vô trùng tại phòng mổ. Không cần thiết phải gây mê, chỉ cần chích tê tại chổ. Thời gian phẫu thuật trung bình khoảng 20-30 phút.
Có hai vị trí vết mổ trong phẫu thuật độn cằm:
+ Vết mổ trong miệng: rạch một đường nhỏ khoảng 3cm bên trong khoang miệng để đưa vật liệu độn vào bên trong. Phương pháp này có ưu điểm là không để lại sẹo bên ngoài. Tuy nhiên do vết mổ nằm trong khoang miệng nên vết mổ dễ nhiễm trùng, phải ăn thức ăn lỏng nguội trong những ngày đầu và không được đánh răng tại vết thương trong suốt 1 tuần mà chỉ dùng nuớc muối hay dung dịch sát khuẩn như Listerin hoặc Kin để súc miệng.
+ Độn vật liệu vào vết rạch da nhỏ ngay dưới cổ là phương pháp thông dụng nhất. Do vết mổ nằm bên ngoài miệng nên nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn, có thể ăn uống và vệ sinh răng miệng bình thường. Theo cách này, sau phẫu thuật ít bị sưng nề, khối vật liệu được đưa vào được cố định chắc chắn nên ít bị di lệch. Nếu khéo tay, phẫu thuật viên hoàn toàn có khả năng giấu sẹo kín đáo theo nếp da tự nhiên ở cổ.
Những tai biến có thể gặp:
Tương tự các phẫu thuật khác, phẫu thuật độn cằm có thể xảy ra tai biến do nhạy cảm với thuốc tê, chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, tụ máu, sưng nề vùng mặt, sẹo xấu, phản ứng đào thải hay di lệch khối vật liệu đưa vào.
Chăm sóc sau phẫu thuật:
Sau phẫu thuật, cần dùng thuốc theo chỉ định của phẫu thuật viên, không tự ý sử dụng thêm bất kỳ thuốc nào khác nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Nên ăn uống mềm, lỏng, nguội ít nhất 3 ngày, hạn chế sờ nắn cằm và tránh vận động mạnh trong tuần lễ đầu tiên.
Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và thông báo ngay cho bác sĩ khi cơ thể có biểu hiện bất thường.
BS Nguyễn Thị Kiều Thơ- Giảng Viên Đại học Y Dược
Hình ảnh phẫu thuật độn cằm